Cá thu - Đặc sản miền biển thơm ngon, tốt cho sức khỏe
Thư Nguyễn
7/5/2022 11:04:04
Cá thu là loại cá có hương vị thịt đặc trưng không lẫn vào đâu được, hơn nữa lại mang hàm lượng dinh dưỡng cao. Chính vì thế nhiều bà nội trợ luôn lựa chọn nguyên liệu này để trổ tài biến tấu đa dạng với những món ngon vô cùng hấp dẫn trong bữa cơm hàng ngày.
Cá thu là loài cá được thuộc họ cá thu ngừ với giá trị dinh dưỡng cao (Ảnh: Sưu tầm)
Từ lâu các món ăn từ cá thu luôn được nhiều người yêu thích, một phần là do hàm lượng chất đạm, chất béo mang lại nhiều tác dụng cho cơ thể cũng như sức khỏe của con người, phần cũng vì món này thơm ngon, nhiều nạc và rất dễ ăn.
1. Tìm hiểu về loài cá thu
1.1. Cá thu là gì?
Mặc dù là món ăn ngon, hấp dẫn được nhiều người yêu thích nhưng không phải ai cũng biết rõ về loại cá này. Thực chất đây chỉ là tên chung cho nhiều loại cá khác nhau thuộc họ cá thu ngừ. Loại cá này có môi trường sinh sống ở khu vực nhiệt đới và ôn đới, cũng tùy vào tập tính sinh trưởng khác nhau nên điều kiện sống của chúng cũng khác nhau, có thể là sâu trong đại dương nhưng cũng có thể là gần bờ.
Với đặc điểm thân mình mang dáng thuôn dài, hơi hẹp dần về phía đuôi cùng với nhiều vây nhỏ phía sau, những vây lớn ở lưng và bụng nên được các nhà khoa học xếp vào loại có khả năng chiến đấu cao. Hiện nay theo ghi nhận thì loại lớn nhất có thể dài đến 1.68m.
Cá thu được đánh bắt ở vùng biển nước ta (Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo)
Đây là loại hải sản phổ biến ở những tỉnh thành giáp biển trên cả nước… Tuy nhiên mỗi vùng biển khác nhau cũng dẫn đến chất lượng của khác nhau, nếu muốn thưởng thức các món ngon từ cá thu bạn có thể du lịch Hạ Long, du lịch Nha Trang, du lịch Hải Phòng... để có thể tự mình trải nghiệm và rút ra kết luận.
1.2. Giá trị dinh dưỡng của cá thu
Cá thu là thực phẩm vô cùng giàu protein và axit béo omega-3, chỉ chứa các thành phần chủ yếu như calo (189), chất béo (11.9g), Natri (89mg), đạm (19g) và không hề chứa bất cứ một lượng carbohydrate, chất xơ hay đường nào nên mang lại lợi ích sức khỏe khá lớn như: cải thiện sức khỏe tim mạch, ngăn tình trạng suy giảm trí nhớ ở người già, ngăn ngừa thiếu máu và giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2.
Cá thu có hàm lượng chất dinh dưỡng cao (Ảnh: Sưu tầm)
1.3. Cá thu có những loài nào?
Trên thực tế có rất nhiều loại khác nhau trong họ cá thu. Tuy nhiên về cơ bản chúng ta có thể phân loại các loại cá thường thấy như sau:
Cá thu Nhật
Cá thu Nhật còn được nhiều người biết đến với tên gọi là cá thu đao. Loại cá này có thân dài, thon, phần miệng nhọn, chứa khá nhiều mỡ ở dưới lớp da và ở bụng. Phần da chia làm 2 màu sắc khá rõ ràng với màu xanh sẫm ở lưng và màu xám bạc ở bụng. Dọc hai bên thân mình của cá sẽ có đường sọc ngang màu xanh, dài và mảnh.
Cá thu Nhật hay còn gọi là cá thu đao có hình dáng thuôn dài (Ảnh: Sưu tầm)
Cá thu ảo
Là loại cá có kích thước khá nhỏ so với các loại khác, chiều dài nhất của loại cá này chỉ khoảng 25 - 30cm và mùa khai thác từ khoảng tháng 5 đến đầu tháng 10 (dương lịch). Cá thu ảo có màu da sậm hơn, thịt mịn và ngọt nhưng giá thành lại khá cao.
Cá thu hũ
Cá thu hũ có đặc điểm phần mõm khá dài và nhọn với chiều dài có thể bằng 1 nửa đầu cá. Loại cá này mang màu xanh là đặc trưng ở thân, phần lưng có màu xanh nước biển và bụng dưới có màu trắng bạc. Đặc biệt trên thân cá xuất hiện nhiều đường sọc dọc nối với nhau thành chữ "Y".
Cá thu phấn
Cá thu phấn, hay cá thu trắng tập trung nhiều ở các vùng biển Việt Nam và trở thành đặc sản Quảng Bình, đặc sản Vũng Tàu, đặc sản Nha Trang… Cá thu phấn có giá cao hơn hẳn các loại cá thu khác trong dòng họ nhà cá thu và có thể dễ chế biến với các món như kho, chiên, nướng…
Cá thu chấm
Cá thu chấm là loại cá khá lớn, trọng lượng nặng nhất ghi nhận có thể lên tới 45kg. Với màu xám bạc toàn bộ thân cá, phần đầu cá hơi nhọn, trên thân xuất hiện các đốm đen trải đều từ đầu đến đuôi cá nên được gọi là cá thu chấm.
Cá thu bông
Thực chất cá thu bông là những con cá còn nhỏ và non, tuổi đời chỉ được khoảng 1 - 2 tháng. Vì kích thước nhỏ dài tầm 5 - 7cm cùng với chất lượng mềm ngon nên loại cá này thường được khai thác và thu hoạch để chế biến ra món ruốc cá thu.
Cá thu bông thường được dùng để làm ruốc (Ảnh: Sưu tầm)
Cá thu vua (cá thu ngừ)
Được biết đến là loài cá lớn nhất và cũng là điển hình cho họ cá thu ngừ, cá thu vua nếu trưởng thành có thể dài tới 2.6m và nặng khoảng 80kg. Cá thu vua mang lại giá trị kinh tế cao nhất, thịt dày và hương vị tươi ngon thanh ngọt tự nhiên. Chính vì thế nó được gọi là cá thu vua.
2. Ăn cá thu có tốt không?
Cá thu là nguồn bổ sung dưỡng chất rất lớn cho cơ thể đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh như:
Tốt cho não bộ
Trong loại cá này có lượng omega-3 với thành phần chủ yếu là DHA - acid béo không no rất cần thiết trong quá trình hoàn thiện và phát triển não bộ và mắt. Omega-3 không chỉ giúp cho trẻ em phát triển trí não mà còn giúp cải thiện trí nhớ và chậm sự lão hóa của người già.
Cải thiện tim mạch
Nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao và đa dạng như các loại khoáng chất, vitamin, omega 3… giúp tăng cường tuần hoàn và lưu thông máu nên người bệnh nếu một tuần chỉ cần ăn khoảng từ 2 - 3 lần sẽ giúp sức khỏe cải thiện đáng kể. Đặc biệt thành phần dinh dưỡng trong cá thu còn góp phần làm giảm lượng cholesterol và nồng độ triglyceride nguyên nhân dẫn đến tắc nghẽn mạch máu não.
Cá thu giúp cải thiện sức khỏe đặc biệt là tim mạch (Ảnh: Sưu tầm)
Giúp chắc khỏe xương
Ngoài acid béo omega-3, trong cá thu còn có hàm lượng vitamin D và canxi khá lớn nên việc bổ sung cá thu trong chế độ ăn vừa giúp tăng cường hệ miễn dịch vừa giúp xương chắc khỏe hơn.
Trị mụn và làm đẹp da
Omega-3 trong cá thu sẽ giúp làm chậm quá trình lão hóa da và hình thành các nếp nhăn trên mặt. Ngoài ra, lượng dinh dưỡng trong cá thu còn bảo vệ da tránh khỏi các vi khuẩn có thể gây mụn từ bên ngoài, nhanh làm xẹp và giảm viêm với các loại mụn bọc khó chữa…
3. Cá thu làm gì ngon?
Dù cá thu là món ăn có nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng không phải ai cũng biết cách chế biến ngon nhất để vừa hợp khẩu vị vừa không bị mất đi dưỡng chất. Với một số gợi ý hết sức hay ho từ bộ công thức chọn lọc, bạn hoàn toàn có thể làm phong phú bữa cơm nhà mình với những món siêu dễ làm dưới đây.
3.1. Cách làm cá thu sốt cà chua
Đây là món ăn được nhiều gia đình yêu thích bởi hương vị hòa quyện tuyệt hảo từ vị chua của cà cộng với vị mặn mòi đậm đà của biển.
Cá thu sốt cà chua dễ làm và đưa cơm (Ảnh Sưu tầm)
Chuẩn bị nguyên liệu: dành cho 2 người
2 khúc cá thu to vừa phải
1 mớ rau thì là
5 quả cà chua nhỏ
Hành khô, hành lá
Gia vị gồm: đường, tiêu, nước mắm, hạt nêm
Cách làm:
Bước 1: Làm sạch cá, để ráo nước và tẩm ướp một số gia vị đã chuẩn bị sẵn ở trên. Để khoảng 30 phút cho gia vị ngấm vào cá.
Bước 2: Băm nhỏ hành khô, thái nhỏ hành lá, rau mùi và cà chua thái nhỏ.
Bước 3: Cho cá vào trong chảo dầu và rán vàng đều cả hai mặt sau đó cho ra đĩa.
Bước 4: Phi thơm hành khô, cho cà chua đã thái vào, đun cùng với chút nước. Cho thêm 1 thìa bột nêm để nước sốt đậm đà vừa ăn.
Bước 5: Cho cá đã rán vàng vào và đun sôi hỗn hợp nước sốt khoảng 10 phút. Trong quá trình đun bạn nên tưới nước sốt thường xuyên lên miếng cá để nó thấm đều gia vị. Nêm nếm lại gia vị sao cho vừa ăn và tắt bếp.
Bước 6: Cho cá ra đĩa, rưới nước sốt cà chua lên và trang trí lên trên đó chút hành tươi và thì là đã được thái nhỏ cho đẹp mắt.
Để món ăn được ngon thì miếng cá phải được chiên vàng ruộm bọc lấy lớp thịt săn chắc, vị vừa ngọt vừa bùi hòa với vị thanh thanh, chua dịu đậm đà. Khi thưởng thức cùng cơm nóng như một bản hòa tấu hoàn hảo và dịu dàng nơi đầu lưỡi người thưởng thức.
3.2. Cách làm cá thu kho tiêu
Cá thu kho tiêu là món ăn ngon được nhiều người yêu thích vì nó có thể ăn quanh năm, bất kể mùa lạnh hay mùa nóng thì cũng đều làm cho bữa cơm nhà thêm hấp dẫn và đậm vị hơn. Cách kho cá này cũng khá đơn giản và dễ làm nên càng được nhiều người yêu thích hơn mỗi khi lên thực đơn.
Cá thu kho tiêu có thể ăn bốn mùa đều thích hợp (Ảnh Sưu tầm)
Chuẩn bị nguyên liệu: dành cho 4 người
Cá phi lê (0.5kg)
Dầu ăn: 2 thìa
Nước cốt dừa có màu
Gia vị nêm nếm thông thường: hạt nêm, muối, đường, ớt cay, tiêu, xì dầu,…
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế cá, đánh vảy, chặt vây, rồi lấy hết nội tạng của cá. Rửa lại với nước cho sạch sẽ rồi để cho ráo. Đem cái thái thành từng khúc dày cỡ 2,5 cm.
Bước 2: Cho cá vào nồi và tẩm ướp thêm gia vị kể trên và để khoảng 30 - 40 phút cho thịt cá ngấm gia vị.
Bước 3: Đợi cá ngấm rồi thì thêm 300ml nước sạch cùng chút nước màu vào nồi cá và đun to lửa. Khi nào cá sôi bùng lên thì hạ nhỏ lửa xuống rồi cứ thế đun cho đến khi cá ngấm hết gia vị.
Bước 4: Đun thêm 30 phút đến khi cá săn thịt lại và nước hơi cạn thì thêm chút dầu ăn và tiêu xay vào cho cá thơm. Sau đó đậy vung và đun thêm chừng 5 phút nữa cho ngấm rồi nêm lại gia vị cho vừa miệng & tắt bếp.
Bước 5: Bày ra đĩa và thưởng thức.
3.3. Cách làm cá thu kho thơm
Cá thu kho thơm sẽ là một sự biến tấu độc đáo với vị chua ngọt của thơm (dứa) cùng với vị béo của cá sẽ tạo nên một món kho thơm ngon, kích thích vị giác. Nhưng để có thể thưởng thức được món ăn hoàn hảo này bạn cũng cần phải bám sát công thức sau nhé!
Cá thu kho thơm vừa ngọt vừa đậm vị (Ảnh: Sưu tầm)
Chuẩn bị nguyên liệu: Dành cho 4 người
Cá thu (0.5kg)
Thơm (½ trái)
Dầu ăn (½ muỗng)
Nước mắm (2 muỗng)
Nước màu dừa (½ muỗng)
Gia vị khác: 2 trái ớt, 4 tép tỏi, 2 củ hành tím, 1 củ gừng tươi, 2 lá gừng, 2 nhánh tiêu xanh, hạt nêm, đường...
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế làm sạch cá và cắt khúc để ráo nước.
Bước 2: Ớt, tiêu xanh rửa sạch, để ráo. Gừng gọt vỏ, rửa sạch, cắt sợi. Hành tím, tỏi lột vỏ, đập dập, băm nhỏ. Lá gừng rửa sạch, cắt nhỏ. Thơm cắt nhỏ rồi nêm 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê đường, xóc đều lên cho thấm gia vị.
Bước 3: Rán cá với 1/2 muỗng canh dầu ăn trong vòng 6 phút. Nhớ lật mặt cá để cá vàng đều 2 mặt rồi tắt bếp.
Bước 4: Cho 1/2 phần hành và tỏi băm vào trong cá, nêm vào 2 muỗng cà phê hạt nêm, 1/2 muỗng cà phê muối, 2 muỗng cà phê nước mắm, 2 muỗng cà phê đường rồi trộn đều, trở 2 mặt cá và để khoảng 20 phút cho cá thấm gia vị.
Bước 5: Phi 1/2 phần hành tỏi băm còn lại vào ½ muỗng dầu ăn. Khi hành tỏi thơm vàng thì hạ nhỏ lửa rồi cho cá vào kho. Sau đó, cho phần thơm lên trên và rưới nước màu dừa vào. Cho tiếp ớt, gừng và tiêu xanh vào nồi. Khi phần cá bắt đầu sôi, bạn đậy vung lại và kho với lửa liu riu trong vòng 20 phút. Cuối cùng, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.
3.4. Cách làm cá thu nướng
Cá thu nướng giấy bạc là món ăn đặc sản Nghệ An mà bất cứ ai khi đi du lịch Nghệ An đều không thể bỏ qua. Hương vị đậm đà, thơm lừng của ớt và tiêu xanh, chấm kèm với nước chấm chua ngọt nhẹ sóng sánh nơi đầu lưỡi khiến cho tất cả các giác quan của bạn được đánh thức. Nếu quá nhớ hương vị ấy hãy thử tham khảo cách làm sau đây nhé!
Cá thu nướng đậm đà, thơm lừng vị ớt và tiêu xanh (Ảnh Sưu tầm)
Chuẩn bị nguyên liệu: dành cho 4 người
Cá thu phi lê (0.5kg)
Ớt hiểm xanh (10gr)
Tiêu xanh (15gr)
Lá chanh (10gr)
Lá chuối (10gr)
Hành tím (15gr)
Tỏi (15gr)
Nước tắc (10ml)
Mè trắng (10gr)
Sữa đặc có đường (10gr)
Đường (10gr)
Bột ngọt (10gr)
Nước mắm (30ml)
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế cá và rửa sạch, cách làm sạch cá thu có thể tham khảo là ngâm trong nước muối 15 - 20 phút.
Bước 2: Bóc vỏ và rửa sạch hành tím, tỏi và ớt. Sau đó giã nhuyễn ớt xanh, cho tiếp hành, tỏi và tiêu xanh hạt vào cùng rồi giã các nguyên liệu. Nêm nếm với 20ml nước mắm, 10gr đường và 10gr bột ngọt rồi trộn đều cho các gia vị tan ra và hòa quyện với nguyên liệu.
Bước 3: Rửa sạch cá qua 2 - 3 lần nước để đảm bảo cá được sạch. Khi cá ráo nước, bạn khứa nhẹ trên thân cá để thấm gia vị rồi ướp cá với phần sốt tiêu xanh.
Bước 4: Đặt giấy bạc lên khay nướng sau đó cho lá chuối lên rồi đặt lên trên 4-5 lá chanh, cuối cùng cho cá lên và gấp mép giấy bạc lại tạo thành 1 cái khay. Có thể rưới lên cá 1 lớp dầu mỏng giúp cá không bị khô. Tiếp đến, bạn làm nóng lò ở 250 độ C trong vòng 15 phút, sau đó cho cá vào nướng từ 10 - 12 phút để cá được chín mềm.
Bước 5: Cho 2gr ớt xanh giã nhuyễn vào chén cùng 10ml nước mắm, 10gr nước tắc, 10gr sữa đặc có đường rồi khuấy đều hỗn hợp, có thể cho thêm 10gr mè trắng rang để nước chấm thơm hơn. Cuối cùng cho cá ra và chấm cùng nước sốt rồi thưởng thức.
3.5. Cách làm cá thu chiên
Cá thu chiên và nhất là chiên nước mắm là một trong những món ăn khá hấp dẫn. Hương thơm cuốn hút, dậy mùi của tỏi phi, vị ngọt mặn hài hòa của nước mắm và đường thấm vào từng miếng cá dai dai khiến người ta ăn hoài không ngán.
Cá thu chiên cuốn hút, dậy mùi giúp ăn hoài không ngán (Ảnh Sưu tầm)
Nguyên liệu:
Cá thu 4 lát
Tỏi băm 50g
Ớt 3g
Gia vị 10g
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế cá, làm sạch rồi lấy giấy thấm khô và để ráo. Sau đó ướp cá với 1/2 muỗng cà phê muối, 1/4 muỗng cà phê tiêu, 1/3 ớt băm và 1/3 tỏi băm để khoảng 20 phút cho cá thấm gia vị nhé.
Bước 2: Làm nước sốt tỏi ớt với 4 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh đường, 2 muỗng canh nước lọc, 1 muỗng canh tương ớt cùng phần tỏi ớt băm còn lại vào và trộn đều hỗn hợp.
Bước 3: Bắc chảo và đun nóng 3 muỗng canh dầu, sau đó cho cá vào chiên vàng đều 2 mặt thì gắp ra đĩa để riêng. Sau đó cho hỗn hợp nước sốt vừa làm vào chảo và đun trên lửa vừa cho đến khi nước sốt đặc sánh lại.
Bước 4: Cho cá vào chảo đun liu riu với lửa nhỏ và lật đều cho cá thấm sốt. Khi nước sốt cạn dần thì tắt bếp và bày ra dĩa rồi thưởng thức.
Cá thu chiên nước mắm là món ăn khá thanh đạm, nhiều dưỡng chất nhưng không hề béo nên giải quyết được câu hỏi là ăn cá thu có béo không của rất nhiều người.
4. Cách chọn cá thu tươi ngon
Để có thể nấu những món ăn ngon từ cá thu thì việc lựa nguyên liệu cũng vô cùng quan trọng. Một trong những mẹo mua được cá ngon thì bạn cần phải lựa những con cá có phần mắt cá sáng, trong veo, nhìn rõ con ngươi, hơi lồi nhẹ.
Chọn cá thu tươi là những con mắt sáng, trong veo, mang cá chắc chắn (Ảnh Sưu tầm)
Nếu dùng tay thì bạn có thể vạch nhẹ phần mang cá, nếu bạn thấy mang cá bám chắc vào thân và có màu đỏ tươi thì chắc chắn đó thịt cá vẫn còn tươi mới. Nhưng nếu như phần mang cá có màu đỏ thẫm, dễ tách rời, rơi rụng thì con cá đó không còn tươi nữa.
Ngoài ra bạn cũng có thể quan sát nếu như thấy bụng cá phẳng, dẹt, phần hậu môn vẫn thụt bên trong, dùng tay ấn thử vào thịt cá thấy có tính đàn hồi tốt, thịt không bị biến dạng thì có thể chọn mua.
5. Lưu ý cần biết khi ăn cá thu
Cá thu được mệnh danh là "thực phẩm vàng" cho sức khỏe bởi chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Tuy nhiên, để cơ thể hấp thụ một cách tốt nhất, khi ăn cá thu cần lưu ý một số điều sau:
Chỉ nên ăn cá thu 2-3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 1-2 con là đủ vì lượng dinh dưỡng trong cá thu rất cao. Nếu ăn nhiều dễ dẫn đến tình trạng thừa chất, cơ thể không hấp thụ được.
Trong các loại cá biển thì cá thu là loại cá có chứa hàm lượng thuỷ ngân cao nhất, chính vì thế không nên ăn nhiều vì có thể dẫn đến ngộ độc thuỷ ngân.
Phụ nữ mang thai và cho con bú cũng cần hạn chế ăn loại cá này vì có chứa hàm lượng thuỷ ngân cao, có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Chỉ nên ăn cá thu 2-3 lần/tuần (Ảnh: Sưu tầm)
Cá thu là loại hải sản rất nổi tiếng ở các vùng biển như Hạ Long, Nha Trang, Phú Quốc, Vũng Tàu, Đà Nẵng… Chính vì vậy, nếu bạn là tín đồ của món ăn này thì đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức cá thu tại những địa điểm trên nhé. Đây còn là những địa danh du lịch vô cùng hấp dẫn và thu hút du khách bởi ẩm thực phong phú, khung cảnh đẹp nên thơ cùng nhiều hoạt động khám phá thú vị.
Cá thu thực chất chế biến không quá khó nhưng để có được món ăn vừa ngon vừa bổ thì lại là cả một nghệ thuật mà người nấu phải đầu tư rất nhiều. Hi vọng sau khi bỏ túi được bộ 5 công thức này bạn sẽ biết cách nấu cá thu ngon cho cả gia đình cùng thưởng thức nhé!
Nguồn: Tổng hợp từ internet
Mua cá thu đảm bảo tươi ngon chất lượng tại Casach.vn: https://ckfoods.vn/ca-thu-cat-khuc-400-gram-tui-p183/
Casach.vn cam kết đổi trả hàng tận nhà nếu quý khách không hài lòng về chất lượng sản phẩm!
Kết nối với chúng tôi